Môi trường – Bài học nhỏ, vấn đề lớn – Trần Phương

 

Rác thải sinh hoạt ở Hà Nội:

Bài học nhỏ, vấn đề lớn

Sapo:

Trước cửa Nhà hát lớn Hà Nội. Đông người lại qua. Hai cậu bé “tây”
da trắng tóc vàng chạy tung tăng đi tìm cái gì đó. Đứng trước thùng rác, bỏ vào đó hai vỏ kẹo cao su, hai cậu bé lại chạy tung tăng về một góc phố. Hình ảnh này diễn ra trước mắt chúng tôi khi đi tìm đề tài viết bài về vấn đề môi trường ở Hà Nội. Đối với nhiều người Việt Nam, những hành động này được xem là kỳ quặc. Thực tế cho thấy, nhiều hành động tương tự còn được xem là kỳ quặc hơn.

Box: 1

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra số liệu: hàng năm có khoảng 5 triệu người (trong đó có 4 triệu trẻ em) chết vì các bệnh liên quan tới rác trên hành tinh chúng ta. ở Việt Nam, ô nhiễm do rác gây ra còn nguy hại hơn nhiều quốc gia khác. Trong khi đó, lâu nay tồn tại tâm lý thờ ơ với những nguy cơ từ rác.

Box: 2

Có 3 phương pháp xử lý rác chủ yếu: thiêu đốt, ủ sinh học và chôn lấp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay việc xử lý, tiêu hủy rác thải ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chủ yếu sử dụng biện pháp chôn lấp. Nhiều bãi rác thải lộ thiên nằm ngay bên cạnh những dòng sông lớn trên địa bàn Hà Nội, như một loạt bãi rác thai lộ thiên nằm dọc sông Nhuệ ở huyện Thanh Oai, Chương Mỹ… Một số bãi rác lớn, làm nhiệm vụ chính chôn lấp rác thải cho Hà Nội hiện nay: bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Xuân Sơn (Sơn Tây), Núi Thoong (Chương Mỹ)… Hầu hết các bãi rác thải trên địa bàn Hà Tây trước đây đều lộ thiên, thậm chí là sử dụng ao hồ làm nơi chứa rác…

 

Bắt đầu từ ý thức cá nhân

Ở các nước phát triển, người dân chưa có thói quen phân loại rác thải ngay tại nhà, cho vào túi, sau đó dồn nhiều túi vào một túi lớn hơn. Vì thế các nhà máy xử lý không phải mất nhiều công sức phân loại rác. Trong khi đó, với người Việt Nam, hành động này thậm chí bị xem là… kỳ quặc.

Theo ước tính, trung bình mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra khoảng 2.700 tấn rác, trong đó chỉ có 60 tấn rác vô cơ là không thể tái chế cần phải đem chôn lấp, hai loại rác còn lại đều có thể tận dụng để chế biến làm phân bón, nông nghiệp hoặc tái chế thành các sản phẩm có ích.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tiền phí dịch vụ thu dọn rác ở nước ta quá thấp so với thực tế. Nhà nước phải đầu tư kinh phí rất lớn cho việc thu gom, xử l ý rác thải sinh hoạt ở đô thị. Do đời sống khá giả hơn trước, túi nilon đã trở nên phổ biến mọi nơi, mọi chỗ. Đây chính là kẻ thù của môi trường vì túi nilon có thời gian phân huỷ dài, từ hơn mười năm đến cả nghìn năm. Túi nilon làm tắc các đường dẫn nước thải gây ngập lụt cho đô thị.

Đây cũng là một trong những lý do khiến các bãi rác thải ở Hà Nội cao như núi và xử lý rất khó khăn. Đã đến lúc mỗi người cần có ý thức khi vứt rác, hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng túi nilon, và có ý thức thay thế dùng các vật dụng sử dụng một lần dễ phân huỷ như túi vải, túi giấy. Và trước mắt, trong lúc đợi những quy định mới từ phía các cơ quan chức năng, chủ yếu vẫn phải trông chờ vào ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân. Đây có thể coi là những bài học nhỏ đối với một vấn đề không nhỏ và  không dễ thực hiện.

Và những nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác

Thực tế cho thấy các bãi chứa rác ở Hà Nội hầu hết nằm gần khu dân cư, thường là những bãi rác “thiên tạo” – các ao hồ bỏ hoang được sử dụng làm nơi chứa rác, không theo quy hoạch hay dựa trên một kết quả điều tra xã hội nào, và không được quản lý hiệu quả. Vì vậy các bãi này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống dân cư, thậm chí là những ổ dịch bệnh. Các bãi rác không được lấp đất thường xuyên, không được xử lý, nền bãi là nguyên nhân chính làm ô nhiễm, nước rác hoà với nước mưa thấm xuống mạch nước ngầm. Ở ngoại thành, người dân đổ rác bừa bãi mọi nơi có thể: đổ bên đường đi, bờ ruộng, xuống ao hồ.

Rác thải sinh hoạt được thu gom qua hệ thống các công ty vệ sinh môi trường đô thị. Rác thải công nghiệp một phần được xử lý ngay tại nhà máy, phần lớn được các công ty chuyên xử lý rác thải công nghiệp thu gom, và một phần không nhỏ được xả trực tiếp ra môi trường. Trong số 5 khu xử lý rác tập trung của Hà Nội thì đã có 3 bãi rác sắp đầy. Việc tìm kiếm địa điểm để làm bãi chôn lấp rác sinh hoạt là một bài toán nan giải, nếu Hà Nội tiếp tục xử lý rác sinh hoạt bằng cách chôn lấp hiện nay./.

Published in: on November 5, 2009 at 7:41 pm  Leave a Comment  

The URI to TrackBack this entry is: https://nhabaotre28b.wordpress.com/2009/11/05/moi-tr%c6%b0%e1%bb%9dng-bai-h%e1%bb%8dc-nh%e1%bb%8f-v%e1%ba%a5n-d%e1%bb%81-l%e1%bb%9bn-tr%e1%ba%a7n-ph%c6%b0%c6%a1ng/trackback/

RSS feed for comments on this post.

Leave a comment