Văn hóa – Con đường làng – Quang Hùng

Con đường làng

Nằm cách Hà Nội 16 km về phía Bắc, Phù Lưu hay còn gọi là làng Giầu (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là ngôi làng cổ nằm lép mình giữa một bên là cánh đồng bát ngát, một bên là đầm Phù Lưu (đền Đầm) – tương truyền là khởi nguồn của con sông Tiêu Tương huyền thoại. Con sông từng gắn với câu chuyện tình chàng Trương Chi(*) cảm động và cổ tích.

Phù Lưu là nơi nổi tiếng trù phú của đất Kinh Bắc xưa, với đình Phù Lưu, với đầm Phù Lưu mang đầy màu sắc huyền thoại của những câu chuyện kể về dòng Tiêu và chàng Trương, với con đường làng lát đá phiến màu xanh da trời uốn lượn như những dòng sông “chảy” quanh làng.

QH1

Dạo bước quanh làng ta sẽ bắt gặp những phiến đá màu xanh da trời, kích thước khoảng 50 x 50cm đều nhau tăm tắp được xếp thành những con đường có chiều rộng bằng 2 viên, 4 viên chạy dài, vút tầm mắt vào tận các ngõ ngách sâu trong làng. Về làng vào một ngày cuối hè, nắng vẫn còn chói chang nhưng ở đây không hề thấy sự nóng bức, oi nồng mà thay vào đó là cảm giác dễ chịu, dịu nhẹ của màu xanh vút dài, bao trùm khắp các con ngõ nhỏ. Hiện nay trong hồ sơ tài liệu về “lý lịch” của con đường không còn lưu lại điều gì, nhưng cụ Lê Thị Thạch (90 tuổi), một trong những người cao tuổi nhất làng, sinh ra và lớn lên tại đây cho biết: “Quan tuần phủ tỉnh Hà Bắc Hoàng Thuỵ Chi (nay là tỉnh Bắc Giang) quê ở làng này, ông đã cho xây dựng nhiều lăng tẩm, chùa chiền, những con đường này là do ông đứng ra xây dựng. Đá lấy tận Quảng Ninh. Thời bấy giờ đường xá đi lại khó khăn, phương tiện vận chuyển thô sơ, người ta phải dùng thuyền chuyển đá về. Ròng rã mấy tháng trời mới chuyển hết. Không biết chính xác con đường này có từ năm nào nhưng từ khi tôi còn nhỏ đã có những con đường này rồi, có lẽ nó đã trên 100 năm tuổi”. Cụ còn cho biết thêm “ngày xưa làng còn có rất nhiều con đường như vậy, nó còn chạy vào tới tận các ngóc ngách đường làng, bước chân ra ngõ là đặt chân lên những phiến đá đó ngay, nhưng trải qua năm tháng có nhiều con đường đã xuống cấp, phải cậy lên bỏ đi những viên hỏng nên những con đường mới dần ít đi và ngắn lại…”. Khi còn nhỏ, lũ trẻ con trong xóm chúng tôi thường nằm lăn ra đường mà chơi thổi vòng, gẩy chun, đánh đáo vì chúng rất nhẵn và mát…Bây giờ xe pháo đi lại suốt ngày, và những trò chơi dân gian đó bọn trẻ cũng ít chơi nên những con đường không còn làm thêm “chức năng” đó nữa. Con đường đã từng đi vào truyện và đến nay vẫn được đưa vào chương trình giảng dạy Ngữ văn lớp 9 (truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân). Trong các làng quê Việt Nam hiện nay hiếm có ngôi làng nào lại có những con đường độc đáo đến như vậy. Nó độc đáo thể hiện ở sự tự hào, hào hứng khi trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân miêu tả về con đường làng, nào là “trời mưa bùn không bắn đến gót chân”; “là nơi vui đùa của trẻ con làng trên, xóm dưới”; “là nơi phơi thóc lúa mỗi khi ngày mùa”…

So với trước đây con đường làng sạch sẽ và đẹp hơn rất nhiều, các phiến đá được xếp phẳng so le nhau, chúng được gia cố bằng những hàng gạch lát nghiêng để tạo độ vững chắc lâu dài. Con đường làng không còn mang vẻ hoang sơ, lô nhô nữa mà được quy hoạch lề lối, được người dân có ý thức trách nhiệm giữ gìn. Đầu và cuối làng đều cắm biển cấm xe tải, xe hạng nặng vào làng, mục đích để giảm bớt “gánh nặng” cho những con đường vốn đã mang nhiều dấu tích của thời gian.

QH2

Ông Chu Hồng Chiến – trưởng thôn Phù Lưu cho biết: “năm ngoái lãnh đạo thôn đã xin ý kiến các cụ và nhân dân trong làng bê tông hóa đường làng, vì những con đường này trải qua năm tháng đã xuống cấp, mặt đá đã trơn bóng nên rất trơn khi trời mưa. Đa số không ủng hộ vì họ cho rằng đó là nét rất riêng của Phù Lưu cần phải gìn giữ, tôn tạo…”. Đất nước đang từng ngày đổi mới và phát triển, đô thị hoá đang lấn át các làng quê nhưng chúng ta không để mất đi những giá trị văn hóa riêng, lâu đời, mang bản sắc của mỗi làng quê. Những cái đó là vô giá mà khi mất đi không dễ gì tìm thấy lại.

QH3

*Đại Nam nhất thống chí, Nxb Khoa học xã hội, H, 1971

Published in: on November 9, 2009 at 3:02 pm  Leave a Comment  

Làng nghề – Mười bốn năm im tiếng ở làng pháo Bình Đà – Ngọc Anh

Mười bốn năm im tiếng ở làng pháo Bình Đà

Nhắc đến địa danh Thanh Oai – Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) không nhiều người biết đến. Song cái tên làng pháo Bình Đà – Bình Minh thì không xa lạ gì với người dân Việt Nam. Đã đã 14 năm trôi qua, kể từ khi chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và tàng trữ pháo nổ có hiệu lực, Bình Đà nay đã có rất nhiều đổi mới.

NA1

Sinh ra và lớn lên ở một làng với nghề truyền thống rất đặc biệt: Nghề làm pháo nổ, từ khi còn rất nhỏ tôi đã biết tới các loại pháo và quy trình sản xuất ra nó. Làng tôi thời ấy ngày nào cũng nghe tiếng pháo nổ giòn giã và tấp nập kẻ mua người bán mặt hàng này.

Bình Đà – Thời pháo thịnh

Trước năm 1995 thôn Bình Đà (Bình Minh –Thanh Oai) nổi tiếng khắp Việt Nam là một làng với nghề sản xuất pháo truyền thống. Người Bình Đà rất tự hào vì nghề này đã giúp nơi đây trở thành làng giàu nhất nhì huyện Thanh Oai lúc đó.

Thời ấy, đặt chân tới đất Bình Đà là đã có thể ngửi thấy mùi thuốc pháo, mùi xác pháo vừa đốt, mùi giấy cuộn pháo và cảm nhận được sự náo nhiệt của nghề làm pháo. Cả làng đều làm pháo, không phân biệt tuổi tác, giới tính cuốn theo vòng xoáy của công việc khá nguy hiểm này.

Trẻ con thì tiêm pháo, cuộn pháo, những người trung niên có nhiều kinh nghiệm thì nhận nhiệm vụ đổ thuốc. Người ta làm pháo từ sáng sớm tới tối mịt, tình làng nghĩa xóm nhờ đó mà cũng trở nên thân thiết. Nghề pháo càng phát triển, những ngôi nhà tầng cũng dần thay thế những mái nhà ngói cũ kĩ, đời sống nhân dân dần được nâng lên.

Thời khủng hoảng

Năm 1995, Chỉ thị 406 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng, người dân Bình Đà rơi vào thời kỳ khủng hoảng bởi ngoài làm pháo, họ không có bất kỳ nghề phụ nào khác. “Hàng ngày nhìn những khuôn pháo, những kim tiêm, những cuộn giấy nằm chất đống còn mình không làm ra tiền tôi lại thở dài não lòng” – Bà Nguyễn Thị Trang – 67 tuổi nhớ lại những ngày khó khăn khi cả làng mất nghề pháo.

Lúc ấy, tôi còn rất nhỏ nhưng đi đâu cũng nghe người lớn than vãn về nỗi lo cơm áo, lo cuộc sống gia đình. Cả làng bao trùm một không khí u uất, chán nản. Trẻ con không còn vô tư nô đùa mà khép nép đứng nhìn bố mẹ với khuôn mặt lo âu. Không ai còn muốn ra ngõ hay ngồi túm tụm lại nói chuyện phiếm, trong đầu mỗi người đều chỉ có hai câu hỏi luôn canh cánh: Làm gì bây giờ? Làm thế nào để khôi phục kinh tế?

Bình Đà thời im tiếng pháo

Không còn nghề pháo tức là mất đi một công việc, mất đi nguồn thu nhập chính của người Bình Đà, song cái được cũng nhiều. Không còn tai nạn do sản xuất pháo, số người chết và bị thương do nổ pháo không còn làm người ta sợ hãi.

Vốn là những người năng động, tháo vát không và chịu khuất phục trước khó khăn, cả làng Bình Đà đã tìm đủ mọi cách để khôi phục cuộc sống. Những người còn chút vốn từ khi sản xuất pháo để lại thì đứng lên mở công ty sản xuất đồ thủ công, công ty may mặc, phụ nữ chuyển sang nghề buôn bán, một số người già và trẻ em làm nghề thêu ren…

Cán bộ xã cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, dạy nghề cho thanh niên trong làng và liên kết với nhiều công ty tạo điều kiện tìm việc cho người dân. Người làng tôi từ bàn tay quen làm pháo cũng bắt đầu quen với công việc đồng áng, buôn bán và những nghề thủ công khác.

Giờ đây, mỗi dịp lễ tết tới Bình Đà không còn nghe thấy tiếng pháo nổ đì đùng, không còn ngửi mùi thuốc pháo, không còn thấy xác pháo bay khắp làng mà thay vào đó là những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh.

Cả làng hiện nay có mức sống ổn định, trẻ em được đi học đầy đủ, thanh niên đều được dạy nghề và có việc làm tại những công ty TNHH ngay gần nhà. Những người làm pháo có uy tín và kinh nghiệm lâu năm vẫn giữ bí quyêt làm pháo bông, tuy nhiên chỉ sản xuất khi có dịp lễ đặc biệt của cả nước và được cho phép của chính phủ.

Những ngôi nhà tầng theo lối kiến trúc mới cùng nhiều đồ dùng hiện đại và tiện nghi vẫn ngày ngày mọc lên ở làng tôi, đánh dấu bước chuyển mình theo sự phát triển của xã hội. Song người Bình Đà vẫn nhớ tiếng pháo tép, pháo cối…, nhớ mùi thuốc súng, nhớ những khuôn pháo chờ tiêm và nhớ mình có tên “làng pháo Bình Đà”.

NGỌC ANH

Published in: on November 8, 2009 at 4:06 pm  Comments (1)  

Làng nghề – Làng lụa Vạn Phúc – Phà Ca

Làng lụa Hà Đông hay chính là Làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc, thuộc quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Đây là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ xa xưa, có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam.

 

Nghề dệt lụa ở Việt Nam có ở nhiều nơi, nhưng không thể không nói tới Vạn Phúc, một vùng dệt lụa thủ công lâu đời và lừng danh của nước ta. Lụa Vạn Phúc bền đẹp, khoác tấm áo lên người sẽ thấy mềm mại và nhẹ nhàng. Cái nét đắc sắc và độc đáo ấy chính là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người dân Vạn Phúc. Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát. Bởi vậy, lụa Vạn Phúc không chỉ được ưa chuộng ở trong nước mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam tới tay những người sành điệu bốn phương.

 

Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 1200 năm, bà A Lã Thị Nương, một người con gái ở Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và có tay nghề dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc. Bà đã truyền nghề lại cho dân làng và sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng.

 

Trong các loại lụa cổ truyền Vạn Phúc, nổi tiếng nhất có lẽ là lụa Vân, một loại lụa tưởng chừng như đã thất truyền nếu không có sự khôi phục của các nghệ nhân làng nghề, đặc biệt là sự đóng góp của nghệ nhân dân gian Triệu Văn Mão.

 

Nét đặc biệt của lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hoa văn trang trí trên vải lụa rất đa dạng như mẫu Song hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý … khiến cho các bộ trang phục trở nên duyên dáng, sống động.

Ca

Làm nghề lụa từ nhỏ, lại là chân truyền của dòng họ lụa nổi tiếng Triệu Văn, song ông Mão khẳng định: nghề lụa không quá nhiều bí quyết như nghề khác. Người làng Vạn Phúc “bén hơi lụa” thì chỉ cần một năm là thành nghề, nhưng người nơi khác muốn học thì bí quyết duy nhất là kiên trì và chịu khó. Ông giảng giải: “Lụa Vân mềm mượt hơn lụa thường nhờ kỹ xảo nhà nghề. Làm lụa Vân thì bản thân người thợ phải có con mắt tinh đời chọn tơ đúng loại. Cái khó nhất là tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công mà không được dệt bằng máy, đòi hỏi người thợ phải tinh mắt nhanh tay”.

 

Trước đây, lụa Vạn Phúc là sản phẩm sang trọng thường dành cho vua chúa, quan lại và những người giàu có. Ngày nay, từ chất liệu tơ tằm với công nghệ cổ truyền, người Vạn Phúc đã dệt nên nhiều loại vải lụa có chất lượng cao được khách hàng trong và ngoài nước ưa thích. Đây còn là điểm du lịch làng nghề hấp dẫn.

 

Published in: on November 7, 2009 at 5:58 pm  Comments (1)  

Văn hóa ẩm thực – Nên ăn quà vặt đúng văn hoá học đường – Tiến Vinh

Ngày nay hiện tượng ăn quà vặt của sinh viên không phải là hiếm ở những trường đại học, thậm chí còn ở những trường đại học lớn. Hình ảnh ăn quà vặt trong lớp, sân trường hay căng tin khiến cho nhiều người thấy phản cảm và cho đó là hình ảnh không đẹp và vô văn hóa. Tuy vậy, ăn quà vặt không hẳn đã là xấu nếu chúng ta biết ăn đúng chỗ đúng lúc… và nó cũng có thể trở thành văn hóa.

Ngay đầu giờ học vào buổi sáng, cổng  phụ trường Học Viện Báo Chí và Tuyên Truyền như 1 cái chợ di động.Các bà, các chị mỗi người bán 1 loại đồ ăn sáng, thi nhau chào bán tại các bạn sinh viên. Gần như đủ cả những đồ ăn sáng cho sinh viên: Xôi, bánh dày, bánh rán…. và cứ như thế mỗi bạn sinh viên 1 túi đồ ăn mà mình yêu thích lũng lẵng mang theo vào lớp học. Đó là thói quen của những bạn sinh viên ở ký túc xá và những bạn ở trọ cạnh trường. Theo bạn Trần Minh Quang ( sinh viên ở ktx) thì: “Đó là do thói quen của những bạn ở ktx, thường thức khuya dạy muộn, không có thời gian ăn sáng nên đã tranh thủ mua đồ ăn sáng mang vào lớp ăn cho tiết kiệm thời gian..”. Những bạn ở xa trường một chút thì lại có cách ăn khác, đó là mua đồ ở căng tin vào lớp ăn. Nếu lên căng tin trường vào giờ ghỉ giữa tiết 1 và 2, chúng ta có cảm giác các đó là căng tin của một nơi công sở đến giờ ăn trưa. Được biết trường Học Viện Báo Chí có tới 2 căng tin phục vụ sinh viên nhưng thế là chưa đủ cho các bạn sinh viên ăn uống. Do lượng sinh viên ăn tại căng tin quá đông nên nhiều bạn mang đồ ăn vào tận lớp ăn. Ngang nhiên khi có thầy giáovào lớp khi đã đến giờ giảng bài. Những việc trướng tai gai mắt không chỉ diễn ra vào đầu giờ buổi sáng mà nó còn diễn ra sau đó vào những giờ tiếp theo. Bên cạnh nhưng đồ ăn sáng, nhiều sinh viên còn mua thêm

Vinh.

Các bạn sinh viên lớp báo in 28b( HVBCTT)

những đồ ăn vặt vào trong lớp như: Xoài, cóc, ổi, củ đậu, bò khô… Khi mà thầy giáo ra sức giảng bài thì sinh viên lại ăn uống lụp sụp ở dưới bàn, có thể nói đây là hình ảnh không thể chấp nhận được của một số sinh viên, đó là hình ảnh thiếu tôn trọng thầy cô giáo, hình ảnh thiếu văn hóa., không chỉ như vậy mỗi buổi tan học rác rưởi mà các bạn sinh viên để lại là rất đáng nói.

Bạn Lê Đức Hiệp, sinh viên lớp 28b cho biết: “ việc ăn quà vặt trong lớp không ảnh hưởng nhiều đến việc học, tuy nhiên về văn hóa thì đó là hình ảnh không đẹp. ..”, bạn Hoàng Thế Toàn thi cho biết: “ việc ăn quà vặt trong lớp không hẳn là vô văn hóa nếu biết thu dọn chiến truờng sạch sẽ” và “ nếu ăn quà vặt trong giờ học là hành động coi thường giáo viên!”. bạn Nguyễn Lam Sơn khoa Văn đai Học Sư phạm Hà Nội bức xúc nói: “ Không thể chấp nhận được những hành động thiểu văn hóa như thế được, việc học hành phải nghiêm túc, nhất là những trường đào tạo giáo viên hay giảng viên.” .

Trường Học Viện Báo Chí và Tuyên Truyền là gồm rất nhiều ngành đào tạo: Khổi báo và khổi Lý luận là chủ yếu. Những khối lý luận đào tạo những giảng viên lý luận, tuy nhiên theo điều tra thì những sinh viên khối lý luận cũng không kém trong việc mang và ăn quà vặt trong lớp học. Là những giảng viên tương lai, nếu vẫn còn duy trì những hành động thiếu văn hóa, không đẹp đó thì sau này trở thành giảng viên quả thực tình trạng này không thể mất được.

Nền kinh thế tri thức, đất nước hội nhập khiến cuộc sống trở nên bề bộn và tấp nập hơn bao giờ hết. Những người bị cuốn vào vòng xóay đó không ai khác là tầng lớp trí thức, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Tuy vậy mỗi người trí thức, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên phải tạo cho mình 1 thói quen ngay trên ghế nhà trường. Đó là phải nghiêm túc trong học tập. Sự nghiêm túc không chỉ được đánh giá bới kết quả học tập cuối cùng mà sự nghiêm túc còn thể hiện ở ý thức, ở thái độ sống trước cộng đồng, trước thầy cô và bạn bè.

Published in: on November 7, 2009 at 5:50 pm  Comments (1)  

Môi trường – H1N1 khu vệ sinh trường học – Thanh Ngọc

Vệ sinh trong các trường học là đề tài không còn mới bởi báo chí và các phương tiện truyền thông đã rất nhiều lần đề cập song dường như vẫn là vấn đề nhức nhối trong mỗi cá nhân học sinh và trường học.

Khu vệ sinh trường Học viện báo chí và Tuyên truyền  là nơi chúng tôi đề cập trong bài viết này.

Kể từ ngày khu nhà mới 6 tầng của học viện được xây và đưa vào sử dụng, những sinh viên ở đây đã vui mừng khi không chỉ có được chỗ học hành khang trang sạch đẹp với những bộ  bàn ghế, bóng đèn, quạt … mới toanh mà họ còn vui hơn bởi có được khu vệ sinh đẹp đẽ, sạch và chất lượng cao. Chỗ mà bấy lâu nay gần như không muốn đặt chân đến bởi sự khó chịu vô cùng  mỗi khi nhắc tới, đặc biệt là các bạn nữ sinh. Song niềm vui đó đã nhanh chóng trở thành nỗi thất vọng bởi những nhà vệ sinh “đẹp như mơ” kia khiến họ không thấy khác là bao.

Trái ngược với khu vệ sinh của giáo viên trong học viện được trang bị đầy đủ vật dụng tiện nghi và luôn được dọn dẹp sạch sẽ. Khu vệ sinh dành cho sinh viên lại là nỗi kinh hoàng.

Tầng 6 của tòa nhà mới được xây với khu vệ sinh 5 bồn cầu trắng đẹp vậy mà lại không có nước xả. Thử hình dung xem nếu 5 chiếc bồn cầu đó khi đã sử dụng mà không có nước làm sạch thì sẽ bốc mùi khủng khiếp thế nào chắc chỉ có những người từng vào mới biết được sự kinh khủng của nhà vệ sinh “chất lượng cao”. Rồi nhà vệ sinh lại không có cả giấy vệ sinh chuyên dụng khiến nhiều bạn trong tình huống dở khóc dở cười bởi lẽ nếu chẳng may chủ quan thì không biết kêu ai giúp trong trường hợp đó.

Xuống các tầng dưới tình trạng không có nước để xả khi vệ sinh đã bớt căng thẳng đi phần nào bởi sự có mặt của những xô đựng nước loại to, và thay vì vị trí cần xả nước các bạn phải dùng gáo múc nước dội vào. Nhưng vì sự bất tiện ấy nên  không phải ai cũng làm sạch được bồn cầu, vậy là nhà vệ sinh trông tưởng như là sạch ấy vẫn “bốc mùi” kéo theo đó là hàng vạn con vi trùng tiềm ẩn của những căn bệnh. Một vấn đề nữa là trong nhà vệ sinh chưa bao giờ xuất hiện bánh xà phòng, thứ không thể thiếu trong nhà vệ sinh, đặc biệt là trong thời điểm dịch cúm H1N1 hoành hành.

Vậy vấn đề sức khỏe của cộng đồng sinh viên học sinh bị bỏ ngỏ, trách nhiệm này thuộc về ai ? Và liệu đây có phải là điều lý giải các ổ dịch lớn H1N1 hiện nay chủ yếu tập trung ở các trường học ???

Published in: on November 7, 2009 at 11:21 am  Comments (1)  

Giao Thông – Văn hóa giao thông – Như Quỳnh

Văn hóa giao thông

Có thể nói giao thông là hoạt động mang tính xã hội cao, vì mỗi con đường không phải của riêng ai, nó là của chung mọi người. Vì vậy, nếu nói “ăn trông nồi” là một nét đẹp văn hóa trong ăn uống thì “đi chung đường” hiện nay cần thiết phải trở thành một nét văn hóa giao thông phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Điều tưởng như hiển nhiên đó rất tiếc lại chưa được quan tâm đúng mức trong cuộc sống hiện nay.

tecnghen

Theo thống kê chưa chính thức, toàn thành phố Hà Nội có tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 6.653 km, 2164 điểm giao cắt, hơn 1.400 ngã ba, 756 ngã tư và 23 ngã năm trở lên. Có sáu tuyến đường sắt từ Hà Nội đi các tỉnh với tổng chiều dài gần 150 km, 706 điểm giao cắt đường ngang, 160 chợ, 118 trường đại học, cao đẳng và 787 trường phổ thông các cấp. Ngoài ra, tổng số lượng phương tiện tham gia rất lớn. Có khoảng trên 300.000 ôtô, 3.5 triệu mô tô, xe gắn máy, trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của giao thông đô thị. Hệ thống trường học, bệnh viện, nhà máy xí nghiệp tập trung nhiều khu vực nội thành đã dẫn đến tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Xây dựng “văn hóa giao thông Hà Nội” là một trong những hoạt động được UBMTTQVN thành phố Hà Nội phát động trong thời gian qua. Thực hành văn hóa giao thông là thể hiện phong cách lịch sự, văn minh, xóa bỏ thói quen xấu, tuỳ tiện, từng bước hình thành ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Văn hóa giao thông là tấm gương phản ánh trình độ văn hóa của một đô thị, là nhân tố nội sinh của sự phát triển. Nó vừa tham gia vào mục tiêu, vừa là động lực và vừa điều tiết sự phát triển của xã hội. Thực tế cho thấy tình trạng từ việc va quệt giữa những người tham gia giao thông dẫn tới những xô xát lớn, thậm chí xảy ra án mạng trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua là một dấu hiệu đáng báo động về “văn hóa giao thông”. Văn hóa giao thông biểu hiện rõ nhất đó là hành vi tôn trọng và nhường nhịn nhau khi lưu thông trên đường phố./.

Published in: on November 6, 2009 at 5:17 am  Comments (1)  

Môi trường – Bài học nhỏ, vấn đề lớn – Trần Phương

 

Rác thải sinh hoạt ở Hà Nội:

Bài học nhỏ, vấn đề lớn

Sapo:

Trước cửa Nhà hát lớn Hà Nội. Đông người lại qua. Hai cậu bé “tây”
da trắng tóc vàng chạy tung tăng đi tìm cái gì đó. Đứng trước thùng rác, bỏ vào đó hai vỏ kẹo cao su, hai cậu bé lại chạy tung tăng về một góc phố. Hình ảnh này diễn ra trước mắt chúng tôi khi đi tìm đề tài viết bài về vấn đề môi trường ở Hà Nội. Đối với nhiều người Việt Nam, những hành động này được xem là kỳ quặc. Thực tế cho thấy, nhiều hành động tương tự còn được xem là kỳ quặc hơn.

Box: 1

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra số liệu: hàng năm có khoảng 5 triệu người (trong đó có 4 triệu trẻ em) chết vì các bệnh liên quan tới rác trên hành tinh chúng ta. ở Việt Nam, ô nhiễm do rác gây ra còn nguy hại hơn nhiều quốc gia khác. Trong khi đó, lâu nay tồn tại tâm lý thờ ơ với những nguy cơ từ rác.

Box: 2

Có 3 phương pháp xử lý rác chủ yếu: thiêu đốt, ủ sinh học và chôn lấp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay việc xử lý, tiêu hủy rác thải ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chủ yếu sử dụng biện pháp chôn lấp. Nhiều bãi rác thải lộ thiên nằm ngay bên cạnh những dòng sông lớn trên địa bàn Hà Nội, như một loạt bãi rác thai lộ thiên nằm dọc sông Nhuệ ở huyện Thanh Oai, Chương Mỹ… Một số bãi rác lớn, làm nhiệm vụ chính chôn lấp rác thải cho Hà Nội hiện nay: bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Xuân Sơn (Sơn Tây), Núi Thoong (Chương Mỹ)… Hầu hết các bãi rác thải trên địa bàn Hà Tây trước đây đều lộ thiên, thậm chí là sử dụng ao hồ làm nơi chứa rác…

 

Bắt đầu từ ý thức cá nhân

Ở các nước phát triển, người dân chưa có thói quen phân loại rác thải ngay tại nhà, cho vào túi, sau đó dồn nhiều túi vào một túi lớn hơn. Vì thế các nhà máy xử lý không phải mất nhiều công sức phân loại rác. Trong khi đó, với người Việt Nam, hành động này thậm chí bị xem là… kỳ quặc.

Theo ước tính, trung bình mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra khoảng 2.700 tấn rác, trong đó chỉ có 60 tấn rác vô cơ là không thể tái chế cần phải đem chôn lấp, hai loại rác còn lại đều có thể tận dụng để chế biến làm phân bón, nông nghiệp hoặc tái chế thành các sản phẩm có ích.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tiền phí dịch vụ thu dọn rác ở nước ta quá thấp so với thực tế. Nhà nước phải đầu tư kinh phí rất lớn cho việc thu gom, xử l ý rác thải sinh hoạt ở đô thị. Do đời sống khá giả hơn trước, túi nilon đã trở nên phổ biến mọi nơi, mọi chỗ. Đây chính là kẻ thù của môi trường vì túi nilon có thời gian phân huỷ dài, từ hơn mười năm đến cả nghìn năm. Túi nilon làm tắc các đường dẫn nước thải gây ngập lụt cho đô thị.

Đây cũng là một trong những lý do khiến các bãi rác thải ở Hà Nội cao như núi và xử lý rất khó khăn. Đã đến lúc mỗi người cần có ý thức khi vứt rác, hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng túi nilon, và có ý thức thay thế dùng các vật dụng sử dụng một lần dễ phân huỷ như túi vải, túi giấy. Và trước mắt, trong lúc đợi những quy định mới từ phía các cơ quan chức năng, chủ yếu vẫn phải trông chờ vào ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân. Đây có thể coi là những bài học nhỏ đối với một vấn đề không nhỏ và  không dễ thực hiện.

Và những nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác

Thực tế cho thấy các bãi chứa rác ở Hà Nội hầu hết nằm gần khu dân cư, thường là những bãi rác “thiên tạo” – các ao hồ bỏ hoang được sử dụng làm nơi chứa rác, không theo quy hoạch hay dựa trên một kết quả điều tra xã hội nào, và không được quản lý hiệu quả. Vì vậy các bãi này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống dân cư, thậm chí là những ổ dịch bệnh. Các bãi rác không được lấp đất thường xuyên, không được xử lý, nền bãi là nguyên nhân chính làm ô nhiễm, nước rác hoà với nước mưa thấm xuống mạch nước ngầm. Ở ngoại thành, người dân đổ rác bừa bãi mọi nơi có thể: đổ bên đường đi, bờ ruộng, xuống ao hồ.

Rác thải sinh hoạt được thu gom qua hệ thống các công ty vệ sinh môi trường đô thị. Rác thải công nghiệp một phần được xử lý ngay tại nhà máy, phần lớn được các công ty chuyên xử lý rác thải công nghiệp thu gom, và một phần không nhỏ được xả trực tiếp ra môi trường. Trong số 5 khu xử lý rác tập trung của Hà Nội thì đã có 3 bãi rác sắp đầy. Việc tìm kiếm địa điểm để làm bãi chôn lấp rác sinh hoạt là một bài toán nan giải, nếu Hà Nội tiếp tục xử lý rác sinh hoạt bằng cách chôn lấp hiện nay./.

Published in: on November 5, 2009 at 7:41 pm  Leave a Comment  

Môi Trường – Còn đâu giếng nước trong ngần – Thị Nga :D

Du khách sẽ “ngắm” rác trong lòng giếng

Theo báo cáo sơ bộ của Thanh tra Bộ VH-TT-DL thực hiện với 23 điểm, khu du lịch tại 5 tỉnh thành phố là Lào Cai, Hải Dương, Quảng Ninh, Điện Biên, Ninh Bình đã đưa ra nhiều con số gây sốc. Có tới 22/23 đơn vị hoạt động du lịch không có giấy phép xả thải do Sở Tài nguyên – Môi trường cấp; 20/23 đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch không xây dựng kế hoạch, chương trình hành động bảo vệ môi trường hàng năm…

 

Đến với làng cổ Đường Lâm, một trong những điểm thu hút sự chú ý của du khách chính là những giếng nước nơi đây. Tuy nhiên theo năm tháng sẽ khó tìm thấy vẹn nguyên hình ảnh một giếng nước trong ngần với ước mơ “nước giếng mang phúc lành” mà ông bà ta hằng gửi gắm.

Hồn quê giếng làng

rac

Người xưa đào sâu xuống lòng đất, đúng mạch, nước dâng lên vừa trong vừa mát. Loại đá nơi đây đào đến đâu, cứng đến đó nên không phải kè thành. Giếng thường rộng 3 – 5 m, sâu trên 10 m, miệng đặt những tảng đá ong nguyên khối hoặc từng tảng ghép lại vừa bền chắc mà sạch sẽ.

Giếng đá ong thường đặt ở đầu làng, giữa xóm, hai bên đình, chùa theo quan niệm là đôi mắt rồng thiêng, nước nguồn không bao giờ cạn. Đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm có hai chiếc. Làng Đông Sàng đặt giếng ở khuôn viên văn chỉ, tôn thêm vẻ đẹp và khơi nguồn trí tuệ Nho học. Ở làng Cam Lâm, phía trước khu lăng mộ Ngô Quyền lại có một chiếc ở dưới chân đồi. Tương truyền nước giếng vùng này thường mát về mùa hè, ấm về mùa đông, nên có câu “Nước giếng hè – chè Cam Lâm”.

… giờ ra sao?!

IMG_0724

Đi khắp lượt giếng nước quanh làng cổ Đường Lâm, những người có tâm với làng quê Việt không khỏi đau lòng trước sự ô nhiễm của những giếng nước cổ. Hầu hết các giếng đều cạn nước, trầm trọng hơn là sự ô nhiễm bởi rác thải do người dân hay khách thăm quan thả xuống. Không chỉ vỏ đồ ăn, thức uống giấy… mà thậm chí có giếng nước còn nổi lên cả bơm kim tiêm (hình ảnh).

Đấy là chưa kể đến việc xung quanh giếng quần áo phơi phóng tràn lan rất mất mĩ quan (hình ảnh). Bên cạnh đó khu vực giếng cũng không hề được dọn vệ sinh. Giếng nước cạnh đình Mông Phụ lối đi vào còn tràn lan vật liệu xây dựng, cát, đá…

Muộn còn hơn không

Hiện nay Đường Lâm là điểm đến lí tưởng không chỉ cho du khách trong nước, Việt kiều mà còn cả những người ngoại quốc tâm huyết với hồn Việt cổ. Thiết nghĩ việc gìn giữ hình ảnh những giếng nước cổ vô cùng quan trọng, một kế hoạch cụ thể về việc tôn tạo bảo tồn những giếng nước này cần có sự can thiệp kịp thời.

Ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao. Từ giếng đất, giếng khơi rồi thay thế bằng giếng khoan, nước máy… Từ thành thị đến nông thôn các nguồn nước sạch phong phú, tràn trề. Tuy nhiên các giếng cổ vẫn tồn tại ở các vùng từ bán sơn địa đến đồng bằng. Số lượng các giếng cổ có ít đi nhưng giá trị của nó vẫn rất quý. Giá trị tâm linh của giếng gắn bó tình cảm con người với tạo hoá. Có giếng cổ, cảnh quan môi trường càng đẹp, kỷ niệm tuổi ấu thơ bên giếng làng dễ mấy ai quên. Các di tích lịch sử – văn hoá có hình ảnh giếng cổ thì giá trị càng tăng.

Nguyễn Nga

 

 

Published in: on November 5, 2009 at 7:40 pm  Leave a Comment  

Văn hóa ẩm thực – Phở Hà Nội – Lê Vân

Phở Hà Nội

Không biết phở xuất hiện từ bao giờ và nguồn gốc từ đâu nhưng lâu nay, phở vẫn là món ăn bình dân đậm chất Hà Nội. Nếu đi khắp đất nước Việt Nam, tỉnh nào ta cũng thấy người ta chưng biển “phở Bắc”, “phở Hà Nội”… Nếu nói đến ẩm thực Hà Nội mà không nhăc đến Phở thì thật là một thiếu xót to lớn. Phở như một thứ đại diện mang tính bản sắc, đặc thù của món ăn Hà Nội và nó đã trở thành đặc sản của dân tộc ta được đem đi giới thiệu trên thế giới. Nhưng, đúng như nhà văn Thạch Lam đã từng viết: “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”.

Nấu phở chẳng phải quá khó, nhưng lạ là cứ đi vùng khác thì không thể ăn được đúng vị Phở Hà Nội. Phải chăng, đó chính là do thói quen ăn uống?! Phở Hà Nội không ngọt như phở Sài Gòn, không cay như phở Huế, mà phải đậm đà, thanh thanh vị ngọt nhẹ của xương. Nước phở Hà Nội được nấu bằng xương bò, muốn cho ngọt nước thì cho thêm mực khô, sá sùng, nêm bằng nước mắm ngon. Để có mùi vị đặc biệt của riêng phở thì dùng các thứ gia vị là đại hồi và thảo quả, cộng thêm gừng và hành nướng cháy. Sợi phở mỏng, thịt mềm và thơm, nhưng đặc biệt là gân được nấu rất mềm. Quán bán phở Hà Nội chính hiệu không ăn kèm giá, rau thơm, rau quế, ngò gai… như ở Sài Gòn. Gia vị có thể thêm vào là ớt tương cay nồng và chanh, ăn kèm với những cọng hành trần hơi hăng hăng, cay cay. Phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương bò, cái thơm của thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà lại không dai, nước trong, bánh phở mỏng và mềm. Người Hà Thành vốn nổi tiếng về sành ăn và thanh lịch cả trong giao tiếp lẫn trong ăn uống. Vẻ đẹp nhẹ nhàng, cầu kỳ, trọng chất chứ không trọng lượng đã trở thành đặc trưng cho nghệ thuật ẩm thực Hà Thành.

Nhắc đến Phở Hà Nội, trước tiên, người ta nhắc đến những quán phở đã gia truyền đã nổi tiếng lâu nay như Phở Bát Đàn, Phở Thìn, phở Lý Quốc Sư… Đó đương nhiên là những quán phở mà được người Hà Nội coi là “đậm chất phở”, và là điểm dừng chân của những du khách đến Hà Nội, những người con xa xứ lâu ngày. Những quán phở này từ xưa vẫn mang dáng vẻ bình dân của một gánh phở, dù đã có những thực khách đến ăn xếp hàng ô tô thành dãy dài ngoài đường. Ở đây chỉ cần có bàn ghế để ngồi, nhưng là bàn ghế gỗ tạp bày biện sơ sài, người ăn chen chúc, thậm chí có người vẫn đứng để ăn. Hình như người ăn phở không có nhu cầu tìm chỗ sang trọng lịch sự, mà chất lượng phở mới là cái chính để đánh giá. Tuy nhiên, hiện nay ở Hà Nội cũng xuất hiện những quán phở mới, sang trọng và lịch sự như các nhà hàng. Phở Hà Nội cũng ngày càng phát triển hơn. Bát phở được biến tấu thêm nhiều gia vị, trình bày cũng đẹp mắt hơn. Phở không chỉ là phở bò, mà còn có phở gà, phở ngan, phở lòng mề, phở sốt vang… Người ta cũng ăn kèm với nhiều thứ hơn, như quẩy, trứng, các loại rau thơm… chứ không chỉ ăn phở riêng như trước. Không chỉ thế, ngày nay, người ta còn biết đến phở với những gương mặt mới như phở cuốn, phở xào, phở chiên phồng, phở chua… Những người bán hàng luôn muốn tìm ra những phương thức thể hiện mới để đáp ứng nhu cầu của thực khách khó tính. Nhưng, vị phở cổ truyền vẫn không thể lãng quên trong lòng người Hà Nội.

Hàng ngày, mọi người vẫn rẽ vào những quán ven đường, có những chỗ chẳng được gọi là quán bởi chỉ có vài cái ghế nhựa, dăm cái bàn con kê sát bên cạnh con ngõ nhỏ, để ngồi ăn phở. Quán phở ấy chẳng có tên, cũng chẳng do một nghệ nhân ẩm thực nào chế biến, chủ hàng chỉ là một bà, một cô vì mưu sinh mà mở hàng. Ấy thế mà, sáng sáng, vẫn có rất đông người đến ngồi xì xụp một bát phở bò tái chín trước khi vội vàng đến công sở. Rồi buổi tối, dưới ánh đèn vàng chập choạng, người ta vẫn tự thưởng mình một bữa ăn đêm với bát phở đầu ngõ nhỏ. Và cũng không thể phủ nhận, những quán không tên cũng góp phần làm cho phở trở nên gần gũi và có sức trường tồn trong lòng những người dân Hà Nội.

Chúng ta thấy rằng, dù có là món phở đúng chất phở Hà Nội như các nhà văn nổi tiếng đã miêu tả trong các tác phẩm kinh điển, ở những quán nổi tiếng; một bát phở cầu kỳ ở những quán sang trọng hay chỉ là một bát phở đơn giản, còn nhiều thiếu sót của những hàng phở bình dân thì người ta vẫn thưởng thức nó ngày ngày như một món quà đặc biệt ở đất này. Như hai mặt của một tờ giấy, những hàng phở gia truyền nổi tiếng và những hàng phở hè phố mới mở vẫn cùng nhau tồn tại. Chính điều này làm nên sự đa dạng, phong phú và trở thành một nét rất riêng của ẩm thực Hà thành. Có lẽ Phở không có nguồn gốc từ Hà Nội nhưng làm cho phở trở thành món ăn nổi tiếng và là một trong những đặc sản bình dân, thứ quà “đệ nhất” thì chắc chắn là do người Hà Nội.

 

Published in: on November 5, 2009 at 7:29 pm  Leave a Comment  

Môi trường – LÀM ĐIỂU CẤM Ở CHỖ CẤM – Bích Ngọc

LÀM ĐIỂU CẤM Ở CHỖ CẤM

Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng văn minh hơn. Nhưng, đối với một số người, sự văn minh lại không đi cùng với ý thức. Đó là cái gai là sự nhức nhối của xã hội chưa thể giải quyết

 

Cấm vứt rác

Ngoc 1.

Đi bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam tươi đẹp nói chung, và Hà Nội nói riêng, nơi nào bạn cũng có thể bắt gặp thùng rác và những biển báo cấm đổ rác. Vậy mà, rác trong nhà, rác trên giảng đường, rác trong công viên, rác trong rạp chiếu phim, rác ngoài đường phố, thậm chí có khi thấy rác cả trên cây … Rác, nhìn đâu cũng thấy rác. Dường như đó là điều quá đỗi bình thường. Và nó càng trở nên bình thường khi mà có một nghịch lý vẫn thường diễn ra hàng ngày, rác tập trung nhiều ở những chỗ có biển cấm đổ rác.

 

Khách nước ngoài sang Việt Nam hay người Việt ở nước ngoài mới về có thể ngạc nhiên trước cảnh tượng đó. Nhưng với những người dân Việt Nam thì đó là chuyện bình thường mà thôi.

 

Cấm đái bậy

Ngoc 3.

 

Ngoài rác ra, người Việt Nam, còn có một điều “thú vị” mà cánh đàn ông vẫn đùa nhau là “thói quen tao nhã” là “đái bậy ở chỗ có biển cấm đái bậy”. Bạn hãy thử một lần rồi xem, bạn sẽ thích ngay mà. Đâu rồi cái gọi là văn hóa. Ấy, thế mà lại là “văn hóa”, lại là chuyện thường.

 

Người nước ngoài sang Việt Nam thường thắc mắc rằng tại sao người Việt hôn nhau thì phải vào chỗ kín, phải giấu đi, trong khi, đó là một nét đẹp văn hóa. Còn việc “giải quyết nỗi buồn” là việc đáng phải vào chỗ kín, phải giấu đi thì lại phô trương ra. Hay chăng, ở nước ta, việc “trọng nam kinh nữ” ăn sâu vào tiềm thức, tới mức ta phải phô ra ở chỗ cấm để thiên hạ biết ta là đàn ông (?!)

 

Ngày xưa các cụ nhà ta có muốn “xả nước” thì cũng tìm nơi kín đáo, còn con cháu các cụ ngày nay thì … Ôi, văn minh! Ôi, ý thức!

Cấm viết bậy, vẽ bậy lên tường

Ngoc 2.

Và thật là thiếu xót nếu không kể đến việc vẽ và dán bậy lên tường. Ngày trước, cái thời cách đây tầm 5 – 7 năm, đa phần chỉ có viết và dán quảng cáo lên tường. Nhất là ở trong các khu tập thể, giấy dán chi chit, tờ nọ đè lên tờ kia, nhiều đến mức, khi tổng vệ sinh khu phố, chỗ giấy dán ấy gỡ ra đem bán đồng nát cũng đủ cho đám trẻ con trong khu mua bỏng ngô ăn

 

Giờ đây, việc vẽ bậy được nâng lên một “tầm cao mới”, không còn là những tờ quảng cáo nữa, mà là sự khẳng định “thương hiệu, tên tuổi” của một lớp “người trẻ” . Bạn đừng nhầm với nghệ thuật vẽ tranh đường phố – graffity, nếu được như thế có khi đã làm đẹp thêm cho thành phố chúng ta chuẩn bị đón chào đại lễ nghìn năm văn hiến. Mà ở đây là một thú vui chẳng biết nên khóc hay nên cười.

 

Ôi những bức tường thành cổ nghìn năm, cho đến những đường hầm vừa mới khánh thành đều đã chằng chịt những nét chữ ngây ngô, nét chữ thể hiện tình yêu đôi lứa mãnh liệt, hay đơn thuần là khẳng định cái tôi cá nhân.

 

Ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long sắp đến gần, các cấp lãnh đạo cùng người người nhà nhà đang cố gắng làm cho thủ đô ngày càng đẹp hơn, xanh hơn, sạch hơn; thì lại có một bộ phận những người dân thiếu ý thức, bang quan trước công việc chung. Họ sẵn sang làm những điều cấm, mà không nghĩ đến hậu quả của nó. Hậu quả ấy, không đơn thuần là làm mất đi nét đẹp, mất đi vẻ thuần phong mỹ tục mà còn góp phần làm ảnh hưởng tới môi trường nơi họ đã và đang sinh sống.

Published in: on November 5, 2009 at 6:56 pm  Leave a Comment